Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, ngày nay, ít ai sử dụng trình duyệt Internet Explorer nữa. Thay vào đó là các trình duyệt Firefox, Google Chrome, Cốc Cốc,… Chắc hẳn ai cũng biết trình duyệt Chrome của Google rồi đúng không ạ? Nhưng nói đến Chrome OS các bạn có đoán được nó là cái gì không? Tuy nó đã được phát hành cả gần chục năm về trước nhưng rất nhiều người vẫn còn xa lạ với khái niệm này. Do vậy, bài viết dưới đây sẽ trình bày đầy đủ các thông tin về Chrome OS.
Những kiến thức và thông tin cơ bản về hệ điều hành Chrome OS
1. Khái niệm Chrome OS
Đây là một hệ điều hành mã nguồn mở được thiết kế bởi Google, viết bằng ngôn ngữ lập trình C, C++. Nó được cài đặt sẵn trên các Chromebook, Chromebox, Chromebit, Chromebase. Hệ điều hành này phát hành lần đầu vào 15 tháng 6 năm 2011 được xây dựng dựa trên nền tảng Linux và chỉ vận hành trên những hệ thống phần cứng được thiết kế riêng. giao diện người dùng được đơn giản hóa hết mức, tương tự như trong trình duyệt Google Chrome. Chrome OS phù hợp cho những ai làm việc với máy tính của họ trên Internet bởi ứng dụng duy nhất của các thiết bị chạy bằng Chrome OS là trình duyệt web. Mọi thao tác, mọi truy cập dữ liệu, ứng dụng đều được thi hành trên môi trường trình duyệt web.
2. Hướng dẫn sử dụng Chrome OS
Đầu tiên, ta phải có tài khoản Google mới sử dụng được Chrome OS. Sau khi khởi động thiết bị, bạn cần đăng nhập vào tài khoản (cá nhân hay khách – guest đều được). Lúc này, các thao tác của bạn sẽ được mã hóa và bảo mật an toàn. Bạn cũng có thể dùng nhiều tài khoản vì Chrome OS hỗ trợ đa tài khoản.
Cũng như các hệ điều hành khác, dòng chữ đầu tiên khi bạn khởi động thiết bị sẽ là Chrome và logo. Ngay sau đó sẽ xuất hiện cửa sổ để bạn đăng nhập. Sau khi đăng nhập xong, giao diện trình duyệt web Chrome sẽ hiện ra. Trên màn hình chính, bạn thấy được các ứng dụng, game bạn đang có, các bookmarks cũng như những địa chỉ website gần nhất bạn mới truy cập.
Góc dưới cùng bên phải sẽ hiển thị các thông tin như ngày giờ, phần trăm pin, kết nối Internet. Dĩ nhiên hệ điều hành này cũng hiển thị các thông báo (notification) như là bạn mới nhận 1 messege chẳng hạn và thông báo này sẽ nhảy lên từ góc dưới bên phải màn hình. Phần góc dưới này cũng là nơi hiển thị cửa sổ chat của bạn.
Chrome OS quản lý các ứng dụng theo Tab. Bạn có thể hiển thị một ứng dụng nào đấy trong khung trình duyệt hoặc toàn màn hình. Các laptop chạy Chrome OS đều có nút chuyển sang chế độ toàn màn hình trên bàn phím.
3. Các ứng dụng, game trong hệ điều hành Chrome OS
Một khi bạn mở bất kì một Tab mới nào, Chrome OS sẽ luôn liệt kê tất cả các ứng dụng mà bạn đã tải, đã mua về từ Chrome Web Store. Bạn chỉ cần click và chạy chúng, mọi thao tác đều nằm trong khung của trình duyệt.
Bên cạnh đó, vì hệ điều hành này hỗ trợ WebGL nên không cần tới plug in thì các đối tượng 3D vẫn hiển thị được. Trên thử nghiệm, Chrome OS hiển thị các đối tượng 3D trong trình duyệt web rất sắc nét, mượt mà.
Bạn cũng có thể giải trí với các trò chơi game trong kho ứng dụng của Chrome OS. Chúng được lấy từ Google Web Store – kho ứng dụng trực tuyến nền web mới được Google tung ra gần đây. Phương thức hoạt động của Web Store cũng gần giống với iTunes Store của Apple, chỉ khác ở chỗ nó hoạt động trên nền web.
Trên Web Store có ứng dụng trả phí, có ứng dụng miễn phí. Tuy vậy, miễn phí vẫn chiếm phần lớn. Để tải về, mua về, bạn chỉ cần click vào ứng dụng/hoặc game bạn thích và thực hiện cài đặt rồi sử dụng.
Không riêng gì người dùng Chrome OS, những ai sử dụng web Chrome cũng trải nghiệm được kho ứng dụng này tại địa chỉ: https://chrome.google.com/webstore/
4. Ưu điểm của Chrome OS
Tốc độ khởi động rất nhanh.
Bạn chỉ cần tốn chưa đến 3 giây là khởi động xong, bởi vì các thiết bị sử dụng Chrome OS không chứa ứng dụng nào trên phần cứng. Các ứng dụng được chứa trên đám mây và sẽ được vận hành ngay trên đó.
Không có các ứng dụng cài đặt, phần cứng cũng không bị giới hạn nên hệ điều hành không tốn thời gian load chương trình vào bộ nhớ, kiểm tra list các thiết bị…
Dễ sử dụng
Chrome OS rất nhẹ và đơn giản bởi nó là hệ điều hành trong một trình duyệt web. Người dùng có thể kết nối ở mọi lúc mọi nơi miễn là có Internet.
Chẳng hạn, bạn đang soạn thảo một văn bản chưa xong nhưng đã đến giờ đi làm, bạn chỉ cần lưu lại, đến công ty và sử dụng máy tính có Chrome OS, đăng nhập vào tài khoản chứa văn bản khi nãy và tiếp tục soạn thảo được như thường.
Khả năng bảo mật tốt
Chrome OS được chứa trên những phần read only (chỉ được phép đọc) của bộ nhớ. Phần còn lại của nó sẽ được hợp nhất với trình duyệt Chrome. Cũng như trình duyệt, không cần phải khởi động lại hệ thống thì quá trình cật nhật bảo mật vẫn diễn ra bình thường.
Chúng ta cũng có thể vận hành nhiều ứng dụng web khác nhau trên nhiều tab khác nhau của trình duyệt. Các tab được khóa tách biệt với nhau, đảm bảo các dữ liệu giữa các ứng dụng không xâm lấn, chồng chéo lẫn nhau.
Bên cạnh đó, dữ liệu người dùng được chứa trên máy và được mã hóa; còn các dữ liệu khác thì chứa ở “đám mây”. Các thiết lập cũng như tùy chọn của người dùng cũng được đồng bộ hóa với tài khoản “đám mây”. Do đó, nếu bạn bị mất hoặc hư hỏng thiết bị, bạn chỉ cần đăng nhập vào tài khoản “đám mây” để lấy lại các dữ liệu, thiết lập, tùy chọn chứa trên ấy.
Muốn lấy cắp dữ liệu người dùng, hacker phải vượt qua được các chuyên gia bảo mật hàng đầu thế giới của Google. Do vậy, hệ điều hành Chrome OS có tính bảo mật rất cao.
Cấu trúc x86 và ARM đều được hỗ trợ
Google từng hứa rằng hệ điều hành của họ sẽ được viết để vận hành với cấu trúc vi xử lý x86 và ARM (2 loại cấu trúc vi xử lý phổ biến nhất hiện nay cho các netbook).
Menu ứng dụng
Với Chrome OS, bạn sẽ có riêng 1 tab chứa danh sách các ứng dụng. Từ đó, việc tìm kiếm các ứng dụng mới cũng dễ dàng hơn. Lập trình viên cũng bớt đi khó khăn trong việc tìm kiếm cách thức đặt các ứng dụng vào menu sao cho phù hợp.
Cách thức chuyên biệt hỗ trợ Microsoft Office
Chrome OS cho phép người dùng sử dụng ứng dụng Microsoft Office Live (ứng dụng văn phòng trực tuyến của Microsoft). Khi bạn click vào một file định dạng thuộc bộ Microsoft Office (Excel, PowerPoint, Word…), Chrome sẽ mở ứng dụng Microsoft Office Live thông qua trình duyệt.
Luôn tự động cập nhật
Mỗi lần người dùng mở netbook, Chrome sẽ tự động kiểm tra độ mới của phiên bản Chrome OS thiết bị đang dùng xem có mới nhất hay chưa và sẽ tự động chạy bản cập nhật nếu có.
Nhược điểm
Vấn đề làm việc offline
Với cơ chế làm việc “điện toán đám mây”, các thiết bị sử dụng hệ điều hành Chrome OS sẽ ít hữu dụng hơn nếu không có Internet.
Không chạy được các ứng dụng Android
Tuy bạn vẫn tải được các ứng dụng Android với một thiết bị chạy bằng Chrome OS nhưng bạn không thể cài đặt và sử dụng được.
Trình duyệt mặc định, không thay đổi được.
Bạn không thể xài Firefox, Cốc Cốc hay thậm chí Internet Explorer, bởi Chrome là trình duyệt mặc định được tích hợp sẵn trong Chrome OS.
Nếu muốn sử dụng các trình duyệt khác bạn chỉ còn cách hy vọng rằng Mozilla, Microsoft hay các nhà cung cấp khác sẽ sử dụng mã của Chrome OS để phát triển hệ điều hành Chrome riêng tích hợp các ứng dụng trình duyệt khác. Mà nếu vậy thì các nhà cung cấp OEM cũng phải sản xuất các thiết bị tương thích. Khá rườm rà phải không ạ?
Lệ thuộc vào thiết bị
Chrome OS chỉ vận hành được trên một số cấu hình phần cứng cụ thể bởi Google muốn kiểm soát các thiết bị cài đặt hệ điều hành của nó. Điều đó làm giảm đáng kể khả năng tùy biến. Người dùng cũng không thể xâm nhập sâu vào các phần của hệ thống.
Ngoài ra, do thiết bị sử dụng Chrome OS lớn hơn nhiều một chiếc điện thoại di động, nên người dùng vẫn cần một thiết bị nhỏ gọn hơn.
Kết
Dù có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các hệ điều hành khác nhưng Chrome OS vẫn còn nhiều thiếu sót gây trở ngại không nhỏ cho người sử dụng. Mong rằng trong tương lai Google sẽ cải tiến “đứa con” của mình trải nghiệm hệ điều hành này tốt hơn và được nhiều người sử dụng hơn.