Để tìm hiểu về cổng thanh toán tại Việt Nam dưới góc nhìn của một doanh nghiệp ( không phải góc nhìn lập trình viên ) các bạn có thể tham khảo Video về cổng thanh toán trực tuyến và ví điện tử và tính năng thanh toán online
Paypal bắt đầu đầu tư vào Việt Nam, cũng như nhiều doanh nghiệp trong nước quyết tâm xây dựng thương hiệu quốc nội. Tất cả các doanh nghiệp này đều cố gắng cải tiến chất lượng dịch vụ và phát triển những tính năng mới giúp việc thanh toán trực tuyến ngày càng tiện lợi và an toàn hơn.
Thanh toán online dù chưa thật sự trở thành “phổ biến” đúng nghĩa ở Việt Nam nhưng hơn ai hết thì doanh nghiệp phải biết đón đầu thị trường, triển khai thanh toán online trên website chính thức của mình là một điều gần như BẮC BUỘC trong thời đại hiện nay. Tôi sẽ nói sơ cách để triển khai Thanh toán online cho website của bạn ngắn gọn như sau.
Bạn cần phải thông qua một cổng thanh toán online trung gian để tiếp nhận giao dịch từ khách hàng, cổng thanh toán (CTT) sẽ giữ tiền của khách hàng đã thanh toán và thông báo với website “đã nhận được thanh toán” và website sẽ được xác nhận giao dịch thành công, bạn có thể tiến hành giao hàng cho khách.
Cổng thanh toán trực tuyến là gì?
Thanh toán bằng tiền mặt là hình thức truyền thống và phổ biến nhất. Tuy nhiên, theo đà phát triển của công nghệ, tiền mặt đã, đang và sẽ trở nên không còn phù hợp với thị trường. Khó khăn khi mua bán xuyên quốc gia, dễ hư hỏng, độ bảo mật kém và độ rủi ro khi thanh toán cao là những điểm chí tử của tiền mặt. Vì thế, cần một giải pháp hiệu quả hơn để thay thế phương thức thanh toán trực tiếp bằn tiền mặt.
Cổng thanh toán trực tuyến (TTTT) là các dịch vụ thanh toán trung gian, cho phép giao dịch trực tuyến trên các trang thương mại điện tử (TMĐT) mà không dùng tiền mặt. Điều nay cho phép mua bán sản phẩm trực tuyến không bị cản trở bởi khoảng cách vật lý, thanh toán nhanh gọn, bảo mật thông tin và có chứng cứ hợp pháp để giải quyết khiếu nại về sau.
Lí do cho việc tại sao bạn không thể trực tiếp đứng ra nhận tiền của khách hàng mà phải thông qua một bên thứ 3 CTT là bởi vì bạn không đủ uy tín, độ tin tưởng để được làm việc đó. Tôi sẽ nói việc này một cách chi tiết hơn ở một bài viết khác tuy nhiên bạn có thể hiểu ngắn gọn “Bạn không thể trực tiếp nhận tiền từ thẻ VISA, MasterCard, bank của khách mà phải thông qua một cổng thanh toán trực tuyến để thực hiện”.
Cổng thanh toán trực tuyến KHÁC với ví điện tử!
Một khái niệm đi cùng với cổng thanh toán trực tuyến là ví điện tử. Vì những dịch vụ TTTT thường cung cấp luôn một ví điện tử nên rất nhiều người nhầm lẫn 2 thứ này lại với nhau.
Thực ra, dịch vụ thanh toán trung gian như các cổng TTTT không có chức năng lưu trữ tiền. Ví điện tử thì có. Nếu tài khoản ngân hàng bạn còn đủ tiền, nhưng không truy cập được, bạn sẽ không thể mua hàng với cổng TTTT. Nhưng nếu bạn có tiền trong ví điện tử, không cần thông qua tài khoản ngân hàng, bạn vẫn có thể giao dịch được. Ví điện tử giúp thanh toán tiện lợi hơn, thanh toán ở bất cứ đâu, và giảm thiểu rủi ro khi không phải thực hiện các giao dịch rút tiền mặt từ ngân hàng.
Như đã đề cập, nhiều cổng TTTT có tích hợp sẵn ví điện tử để tối ưu hóa trải nghiệm thanh toán cho người dùng. Ví dụ: VTCPay, VNPAY, MOMO. Một vài dịch vụ khác thì chỉ có ví điện tử nhưng không có cổng TTTT, điển hình là Airpay của công ty Cổ phần Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (Vietnam Esports).
Khi làm website bán hàng, bạn cần tích hợp cổng TTTT thì người mua mới có thể giao dịch được. Vì vậy, khi nói về tính năng và đồ phù hợp của một cổng TTTT, ta cần phải xét trên yêu cầu của cả 2 phía: với người mua – sự tiện lợi và bảo mật được đặt lên hàng đầu, với người bán – quy trình, thủ tục đăng ký, hoa hồng thấp và nhiều ưu đãi là những điều ưu tiên.
Những cổng thanh toán online nổi bật
Đối với những cổng thanh toán quốc tế như Visa, Master Card, Paypal,… thì các doanh nghiệp khi xây dựng Shopify Ecommerce Web design, Bigcommerce Web Design,… thù luôn chú trọng. Vậy còn đối với thị trường của chúng ta, các cổng thanh toán tại Việt Nam nào sẽ phù hợp cho website bán hàng của bạn.
Ngân Lượng
Ngân Lượng là dịch vụ tiên phong trong việc “bình dân hóa” các cổng TTTT, mang chúng đến gần với người dùng thông thường hơn. Ra đời năm 2009 bởi công ty PeaceSoft, Ngân Lượng giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể có được một giải pháp TTTT hữu hiệu mà không qua nhiều thủ tục rắc rối. Chỉ cần chưa đến 5 phút bạn đã có thể đăng ký được một tài khoản, và khoản vài giờ đồng hồ để tích hợp vào website của mình.
Ngoài ra, Ngân Lượng còn cung cấp những tính năng hữu ích và tiện lợi như: thanh toán di động (mobile payment), thanh toán nội dung số, đặc biệt là thanh toán tạm giữ (người bán chỉ được nhận tiền sau khi người mua nhận được hàng).
Baokim.vn
Ra đời sau Ngân Lượng một năm, Baokim.vn là một trong những cổng TTTT tiên phong và phổ biến nhất Việt Nam. Là sản phẩm của đơn vị chủ quản của công ty cổ phần Vật Giá Việt Nam, Baokim.vn biết cách học hỏi mô hình của những cổng TTTT quốc tế thành công như Paypal, Moneybookers. Vì vậy mà lượng khách hàng của Baokim.vn ngày càng tăng với hơn 8.000 cửa hàng trên toàn quốc chấp nhận thanh toán qua Baokim.vn.
Thêm vào đó, Baokim.vn còn cho phép thực hiện các giao dịch thông dụng như thanh toán di động, thanh toán game, hoặc nạp tiền di động, .v.v…
MOMO
MOMO là ví điện tử đầu tiên và phổ biến nhất ở Việt Nam. Nhưng MOMO cũng là một cổng TTTT đầy uy tín. Với lợi thế người sử dụng đông đảo, cổng TTTT MoMo sẽ giúp việc thanh toán dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần khách hàng có ứng dụng ví điện tử MOMO trong điện thoại thì có thể mua hàng của bạn trong vài thao tác.
Thường xuyên có nhiều ưu đãi, MOMO giúp trải nghiệm mua sắm thú vị hơn. Ứng dụng MOMO cũng là cầu nối tốt để người bán và người mua có thể kết nối, cùng nhau chia sẻ ý kiến và nâng tầm chất lượng của sản phẩm.
123Pay
Được cấp phép hoạt động vào đầu năm 2016, 132Pay là cổng TTTT non trẻ nhất trong danh sách này. Nhưng đứa em út này lại được hậu thuẫn bởi VNG, một đại gia làng game và các dịch vụ internet mà không ai không biết.
Sử dụng 123Pay cho website TMĐT của mình là bạn đã có ngay một lực lượng khách hàng tiềm năng: 50 triệu người dùng đang sử dụng các dịch vụ của VNG như Zalo, Zing Mp3,…và 40+ trò chơi trực tuyến. Ngoài ra, việc “sinh sau đẻ muộn” giúp 132Pay học tập và cải thiện chất lượng của mình, nhất là hệ thống thanh toán vô cùng an toàn và bảo mật, được kiểm định bởi tổ chức Tiêu chuẩn an toàn dữ liệu (PCI DSS).
VTCPay
VTCPay – đọc qua cái tên thì chắc hẳn ai cũng biết đây là sản phẩm của VTC Intecom, một ông lớn khác trong ngành công nghệ. Vì vậy, VTCPay có một hệ thống hạ tầng hiện đại và mạnh mẽ cùng đội ngũ kỹ sư, chuyên gia hàng đầu. VTCPay đã liên kết với 33 ngân hàng trong nước cùng với 3 hình thức thẻ thoanh toán quốc tế bảo đảm sự dễ dàng cho cả người mua và người bán.
Ngoài ra, VTCPay cũng tích hợp luôn cả dịch vụ ví điện tử vào hệ thống của mình, giúp bạn thanh toán mọi lúc mọi nơi. Trung bình mỗi tháng có tới 250 tỉ VNĐ giá trị giao dịch đủ cho thấy sức hút cũng như sự ổn định của VTCPay.
Smartlink
Ra mắt vào năm 2006, Smartlink là cổng TTTT có tuổi đời cao tại Việt Nam do Vietcombank phát triển. Đây là dịch vụ tập trung nhiều vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp vừa và lớn.
Cổng TTTT này đã liên kết với hầu hết những ngân hàng lớn nhỏ trong nước giúp giao dịch dễ dàng hơn. Nó cung cấp các dịch vụ thanh toán trên hầu hết các kênh như ATM, POS, điện thoại di động và cả Internet. Tuy nhiên, điểm trừ của Smartlink là thủ tục đăng ký khá phức tạp và đòi hỏi nhiều chứng từ, nhưng nếu doanh nghiệp của bạn đủ điều kiện thì Smartlink là lựa chọn an toàn và ổn định nhất.
OnePay
Cùng với Smartlink đã kể trên, OnePay là một trong 2 cổng TTTT đầu tiên có mặt ở Việt Nam. OnePay đã hợp tác với nhiều ngân hàng và các doanh nghiệp lớn trong nước, tiêu biểu như CGV hay Jetstar.
Ngoài ra, OnePay còn có rất nhiều giải pháp dành cho nhiều loại đối tượng khách hàng và nhu cầu của họ: PayBilling để hỗ trợ thanh toán hóa đơn trực truyến dễ dàng, hoặc PayBooking cải tiến hệ thống đặt phòng và quản lý khách sạn, nhà hàng, .v.v…
Payoo
Đây là một cổng TTTT vô cùng phổ biến với người dùng bình dân. Đa phần khách hàng sử dụng Payoo để thực hiện các giao dịch nhỏ thường nhật như thanh toán hóa đơn, nạp tiền điền thoại, hay mua hàng online.
Hiện nay, có hơn 2500 điểm hỗ trợ thanh toán Payoo trên toàn quốc để bạn có thể mua sắm mà không cần tiền mặt trong túi. Còn nếu bạn không rành về giao dịch trên mạng hoặc sợ sai sót làm mất tiền, có thể đem hóa đơn ra những điểm hỗ trợ đó để thanh toán bằng tiền mặt.
Senpay
Là sản phẩm cùng một công ty với Sendo.vn – một trong những chợ thương mại điện tử lớn nhất nước, Senpay được bảo trợ bởi tập đoàn công nghệ FPT Telecom nên có một cơ sở hạ tầng tiên tiến, hiện đại, đảm bảo giao dịch bảo mật và an toàn.
Cổng TTTT Senpay đã được chấp nhận thanh toán trên nhiều ngân hàng và các dịch vụ thương mại điện tử lớn, trong đó phải kể đến Sendo. Nếu bạn có bán hàng trên mạng, sử dụng dịch vụ SenPay giúp bạn dễ đăng bán sản phẩm trên Sendo, cũng như kết nối với khách hàng nhanh chóng và tiện lợi hơn.
VNPAY
Ra đời vào năm 2011, tới nay cổng TTTT VNPAY đã có hơn 40 đối tác là các ngân hàng và các công ty viễn thông lớn trong nước.
Do Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) xây dựng và vận hành, VNPAY có những đột phá về tính năng: thanh toán bằng quét mã QR. Chỉ cần có ứng dụng Mobile Banking trên điện thoại bạn đã có thể thoải mái mua sắm ở các trang TMĐT hàng đầu. Nhờ vào lượng ngân hàng đối tác lớn, doanh nghiệp sử dụng VNPAY sẽ hưởng nhiều đãi, hỗ trợ từ kênh của các ngân hàng đó.
Lời kết
Thanh toán trực tuyến là một xu hướng tất yếu trong sự phát triển của công nghệ. Thanh toán trực tuyến tiện lợi, nhanh chóng và ít rủi ro hơn, vì thế nó ngày càng chiếm được nhiều lòng tin của người dùng.
Các cổng TTTT vì vậy cũng ra đời nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tùy từng dịch vụ sẽ có những tính năng, ưu đãi phù hợp với một số loại nhu cầu của khách hàng, của doanh nghiệp nhỏ, vừa, và lớn. Vì vậy, hãy chọn cho mình một cổng TTTT ưng ý, nếu có tích hợp ví điện tử nữa thì càng tốt.