Cách tăng Tỷ Lệ Chuyển Đổi- Conversion Rate (CR) cho website bán hàng,

0
9746
Conversion rate
Conversion rate

Trong những cuộc bàn luận về SEO và Marketing Online, có một lưu ý mà tôi cực kỳ ấn tượng đó là giải pháp tăng tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate – CR). Ở bài viết hôm nay, tôi muốn chia sẻ tới anh em một số kinh nghiệm, các cách tăng tỷ lệ chuyển đổi ở website bán hàng mà lâu nay tôi có cơ hội học hỏi được.

Conversion rate
Conversion rate

Tỷ lệ chuyển đổi- Conversion Rate- CR là gì

Tỷ lệ chuyển đổi (CR – Conversion Rate) là chỉ số phần trăm, là thông số biểu thị tỷ lệ mà người truy cập thực hiện các hành động tương tác như đăng kí thành viên, điền form khảo sát, đặt hàng, thanh toán… trên tổng số người tiếp cận trang web của bạn.

Cách tính tỷ lệ chuyển đổi: CR (tỷ lệ chuyển đổi) = conversions (Tổng số mục tiêu trang web đặt ra)/ Visits (Tổng lượt truy cập vào trang web)*100%

Ví dụ: Một trang web bán đồ gia dụng, trong tháng 10 vừa rồi, đặt mục tiêu bán hàng sale trong đợt khuyến mãi. Cuối tháng, thống kê có 550 lượt truy cập, trong đó có 260 lượt đăng ký mua hàng. Từ đó có thể suy ra được tỷ lệ chuyển đổi:

CR =260/550*100%  = 47%

Đối với bất kỳ trang web bán hàng nào tỷ lệ chuyển đổi đều cực kỳ quan trọng. Vậy lý do cụ thể của việc nên tăng tỷ lệ chuyển đổi là gì?

Ý nghĩa của việc gia tăng tỷ lệ chuyển đổi:

Có một sự thật rằng, không phải trang web SEO nào đứng top google cũng đảm bảo tỷ lệ người truy cập tương tác cao bằng những đối thủ đứng sau nó. Một website bán hàng có thể đứng top cao tuy nhiên chưa chắc conversion rate đã cao. Mặt khác, một trang web có tỷ lệ chuyển đổi cao thì khả năng đứng top là cực kỳ lớn. Sự chênh lệch đến từ đâu? Thứ nhất, tỷ lệ chuyển đổi giúp tối ưu hóa hiệu quả của hoạt động marketing online, đánh giá mức độ thành công của chiến dịch quảng cáo đó. Từ kết quả này, chúng ta có thể rút ra được thị hiếu, yêu thích của khách hàng, rút ra được kinh nghiệm cho những đợt chiến dịch lần sau… Thứ hai, nó giúp kéo dài lượng thời gian khách hàng ở lại trên trang web của bạn. Đây là tiềm năng để đưa khách tiến gần hơn tới nút chọn mua sản phẩm. Nói cách khác, đây là yếu tố quan trọng biến những người quan tâm sản phẩm của bạn trở thành những người mua hàng tiềm năng.

Cách tăng tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate- CR) ở website bán hàng:

Tối ưu hóa giao diện:

Cải thiện tốc độ tải trang web: Đây là một phần trong mục tiêu thiết kế một trang web thân thiện, tuy nhiên mình đã tách riêng thành một ý bởi vì tầm quan trọng của nó. Nếu tốc độ tải trang kém thì đây là một trong những trở ngại khiến thất thoát lượng lớn khách hàng tiềm năng truy cập vào trang web. Một khi lượt truy cập đã thấp thì làm sao tỷ lệ tương tác với website cao được? Trước khi quan tâm giao diện của website sau khi nhấp chuột thì tốc độ tải trang ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của người dùng. Không có khách hàng nào đủ kiên nhẫn để chờ tải trang web của bạn cả. Trong khi trên thực tế họ đang có vô vàn sự lựa chọn khác.

Tối ưu 2 yếu tố UX, UI, thiết kế giao diện thân thiện, đẹp cho trang web. Dĩ nhiên, ấn tượng đầu tiên mà khách hàng khi truy cập vào trang web của bạn là giao diện đẹp. Theo tự nhiên, con người khi tiếp cận với bất kỳ thông tin, hình ảnh, giao diện nào thì thường phản xạ ngay tức khắc đó là chú ý tới thẩm mỹ, tới những cái thu hút. Vì thế, những trang web có giao diện thiết kế đẹp, chuyên nghiệp thì tất nhiên sẽ tạo thu hút, thiện cảm cũng như sự tin tưởng cho khách hàng hơn. Để xây dựng giao diện đẹp mắt trang web có thể cải thiện bằng cách đầu tư vào mặt hình ảnh, màu sắc, biết cách tổ chức nội dung, thông tin rõ ràng, khoa học… Tuy nhiên, giao diện đẹp, thẩm mỹ là chưa đủ, nó phải thân thiện, tiện dụng tức là đem lại sự dễ dàng, tiện lợi, thoải mái trong quá trình trải nghiệm của người dùng. Một số giải pháp xây dựng website thân thiện đó là tích hợp các hình thức thanh toán online, tích hợp giỏ hàng vào mục sản phẩm, tối ưu hóa trên điện thoại (đây là giải pháp tiềm năng hiện nay), tốc độ tải trang như đề cập ở trên phải nhanh… Việc này giống như bạn đi ăn vậy. Khi đồ ăn hấp dẫn đã được bày ra, dễ dàng gắp ăn trong tầm với thì còn ngại gì mà không nếm thử?

Tối ưu hóa giao diện giúp cải thiện Conversion Rate
Tối ưu hóa giao diện giúp cải thiện Conversion Rate

Xây dựng nội dung cuốn hút, rõ ràng (content marketing):

Phần này mình sẽ đi khá sâu bởi vì đây là một trong những yếu tố then chốt, là bộ phận xương sườn tạo nên hấp dẫn của các website. Nếu khách hàng đang có nhu cầu tìm kiếm thông tin hoặc mua một sản phẩm nào đó, họ sẽ tìm đến những trang web liên quan. Bạn nên đặt mình trong vị trí của khách hàng, hiểu được mong muốn của họ thì mới có cách để làm thỏa mãn nhu cầu của họ. Việc của bạn là trình bày, cung cấp dữ liệu một cách ngắn gọn, súc tích, đầy đủ nhất để khi khách truy cập vào website của bạn, họ tập trung, họ hiểu và họ out ra mà không cần truy cập những trang web khác. Đừng nên trình bày dài dòng, khách hàng của bạn sẽ không đủ thời gian và kiên nhẫn để chơi trò trốn tìm với bạn đâu. Nội dung mà website của bạn cung cấp phải hấp dẫn, bạn phải cho người ta thấy họ đang được đọc gì, tại sao họ nên quan tâm thông tin đó, tại sao họ nên tin bạn và khi tin rồi thì họ nên làm gì.

Mình sẽ chia sẻ một số cách thông dụng và hiệu quả hiện nay để đạt được những thành công như đề cập ở trên. Đầu tiên, đa phần khách hàng bị thu hút bởi những từ khóa “quyền lợi” như “sale khủng”, khuyến mãi cực sốc hoặc những từ khóa độc lạ, bắt trend… Bạn nên xem xét sử dụng những công cụ này. Thứ hai, những thông tin bạn đưa ra cần có bằng chứng, số liệu cụ thể, thực tế nào đó làm tham chiếu để tạo sự uy tín. Khi viết content cho trang web có hai công thức nổi bật mà tôi nghĩ nó cực kỳ hữu ích dành cho bạn đó là AIDAAPSA. AIDA tức là cách viết theo Attention (gây sự chú ý) – Interest (tạo sự thích thú cho người đọc) – Desire (Khơi gợi ham muốn) – Action (kêu gọi hành động). Còn APSA là cách trình bày nội dung theo Attention (gây sự chú ý) – Problem (nêu ra vấn đề của khách hàng) – Solution (trình bày giải pháp) – Action (kêu gọi hành động).

Bên cạnh đó, khi triển khai content marketing, bạn nên chú ý những mục này:

Headline (tiêu đề): đây là phần nêu lợi ích và mô tả được tóm tắt ở phần nội dung. Bạn đừng bỏ qua nó, nó là mục chứa thông tin quan trong nhất, quyết định việc khách hàng có hay không nên theo dõi tiếp trang web của bạn.

Subtitle: các đề mục con, các thẻ heading… Đây là sườn của bài viết trong trang web của bạn. Nó cho phép khách hàng dễ dàng phân loại, theo dõi những thông tin bạn cung cấp.

Bullet point: hiểu nôm na là những mục nhỏ chứa một thông tin nào đó. Có những khách hàng khi truy cập trang web của ban, đơn thuần là họ chỉ tìm kiếm một thông tin, thông số nào đó thôi. Khi đó họ chú ý đến mục Bullet point này. Đó là lý do tại sao bạn nên trình bày nội dung một cách rõ ràng và khoa học.

Social proof: đây là phần bằng chứng, số liệu cụ thể mà tôi đã đề cập ở phía trên. Các bài viết có phần này thường có tỷ lệ tiếp cận cao hơn những bài viết có nội dung tương tự khác.

Testimonial: đây gọi là mục đánh giá của khách hàng. Mục này cho thấy mức độ hài lòng của người dùng khi trải nghiệm trang web của bạn là tới đâu. Bạn nên chú ý mục này bởi vì nó là con dao hai lưỡi.

Content Marketing- Nội dung luôn giữ vai trò quan trọng nhất
Content Marketing- Nội dung luôn giữ vai trò quan trọng nhất

Ứng dụng hiệu quả Call to Action (Lời kêu gọi hành động):

Thường chúng ta sẽ bắt gặp những dạng kiểu như “Còn hai giờ để đăng kí”, “Rust”, “One day left” khi có áp dụng khuyến mãi, tri ân khách hàng… Bạn để ý xem, ở Shopee, phần flash sale có tích hợp các mục thời gian đếm ngược. Đó là một dạng của Call to Action. Đây là cách gợi ý mua hàng hiệu quả đối với các trang web bán hàng, đánh vào tâm lý ham rẻ, ham đồ sale, sợ bị mất quyền lợi nếu không mua của người tiêu dùng. Có một số cách để tạo lời kêu gọi hành động như tích hợp nút tắt (Mua ngay, Đặt hàng ngay), dòng text, hình ảnh… Lời kêu gọi cộng với thông báo khẩn cấp luôn là giải pháp hàng đầu để tăng tỷ lệ chuyển đổi. Các trang web bán hàng lớn hiện hành hầu hết đều áp dụng cách này để thu hút khách hàng. Tất nhiên trước khi áp dụng nó, người ta đã có tính toán phù hợp.

Tạo A/B Testing:

Đây giống như một bài kiểm tra, đầu tiên bạn cần thiết kế landing page hiệu quả (hoặc bạn cho rằng là nó tốt nhất) và thử nghiệm với hai landing page A hoặc B, lấy ý kiến của khách hàng từ đó rút ra được phương án, chiến lược phù hợp cho trang web của bạn. Đây là một trong những phương pháp hỗ trợ xây dựng chiến lược kinh doanh thực tế nhất. Bởi vì không ai khác, chính khách hàng của bạn là người quyết định trực tiếp mức tăng tỷ lệ chuyển đổi đối với trang web mà bạn đang sở hữu. Yêu cầu khi áp dụng phương pháp này đó là trang web của bạn phải đủ đáp ứng số lượt người tiếp cận nhiều và ổn định, đảm bảo lượng thời gian đủ lâu để có đánh giá khách quan nhất. Khi tạo A/B Testing, bạn nên lưu ý chọn một mục mà bạn thấy nổi trội và muốn test hơn cả để thực hiện khảo sát. Đừng quá ôm đồm, bất kỳ việc gì cũng thế. Hãy làm tốt một việc để tránh nhầm lẫn và dễ thất bại, rồi bạn mới có cơ sở, động lực để tiếp tục. Bạn không được áp dụng phương châm “Được ăn cả ngã về không” khi tiến hành phương pháp này.

Phương pháp kiểm thử A/B Testing
Phương pháp kiểm thử A/B Testing

Tích hợp live chat:

Đây giống như một phím tắt, nút liên hệ tiện lợi. Nút liên hệ này sẽ giúp trang web của bạn trở nên chuyên nghiệp cũng như tạo cảm giác tin tưởng cho khách hàng. Không phải khách hàng nào khi truy cập trang web của bạn cũng thực hiện thao tác với nút tắt này. Nhưng bạn thấy, nó ở đó làm nhiệm vụ như một cổng giao tiếp giữa người mua với người bán. Khách hàng của bạn có thể trực tiếp tương tác với bạn trên trang web nhanh chóng, dễ dàng khi họ gặp vấn đề, muốn tư vấn, giải đáp thắc mắc, thậm chí là đặt mua hàng. Từ đó, bạn cũng dễ dàng khắc phục những phản hồi, thậm chí phàn nàn của khách hàng. Từ đó cải thiện trang web của mình hơn.

Cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng với Live Chat
Cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng với Live Chat

Lời khuyên cho bạn:

Bạn nên nhớ trên đây là những nền tảng chung, hiệu quả nhất nếu bạn muốn tăng tỷ lệ chuyển đổi (CR – Conversion Rate) cũng như để bạn vận dụng chứ không phải áp dụng một cách cứng ngắc vào vận hành trang web của mình. Tùy thuộc vào điều kiện trang web bán hàng đang sở hữu, sản phẩm đang kinh doanh… mà bạn nên có quyết định chọn lựa phương pháp cho phù hợp. Bên cạnh đó, nên nhớ, tỷ lệ chuyển đổi chỉ là một phần chứ không phải yếu tố quyết định hoàn toàn việc tạo nên thành công cho website của bạn.

Kết luận:

Hi vọng những cách tăng tỷ lệ chuyển đổi (CR – Conversion Rate) mà tôi đã chia sẻ ở trên sẽ giúp mọi người có thêm những lựa chọn mới, phù hợp khi xây dựng website của mình. Chúc công việc kinh doanh online của mọi người suôn sẻ.